keo-bong-da

Baggio - thiên tài lận đận

Cuộc đời và sự nghiệp bóng đá của Roberto Baggio luôn chứa đựng những mâu thuẫn, với đỉnh điểm là cú sút luân lưu định mệnh ở World Cup năm 1994.

Nhắc đến những cầu thủ vĩ đại trong lịch sử, người hâm mộ thường nghĩ ngay đến những khoảnh khắc gắn liền với họ, những pha bóng ma thuật mà đôi khi chẳng cần xem lại cũng có thể hình dung ra. Như cú xoay người của Johan Cruyff, cách Diego Maradona rê bóng qua nửa đội tuyển Anh năm 1986, hay cú vô-lê thần sầu của Zindine Zidane ở chung kết Champions League.

Vậy có công bằng không cho Roberto Baggio – cầu thủ hào hoa bậc nhất lịch sử bóng đá Italy – khi khoảnh khắc định nghĩa anh lại là một cú sút 11m thất bại tại Pasadena ngày hè tháng 7/1994?

Chấn thương kinh hoàng

Nếu chỉ nhìn vào những danh hiệu tập thể, rất khó để những CĐV chưa từng xem Baggio chơi bóng hiểu vì sao anh là một trong những cầu thủ hay nhất lịch sử. Xuyên suốt sự nghiệp từ năm 1982 tới 2004, tiền đạo sinh năm 1967 chỉ giành bốn danh hiệu, gồm hai scudetto, một Cup Italy và thêm một Cup UEFA. World Cup ngoảnh mặt, Euro làm ngơ, Champions League cũng lặng thinh khi nhắc đến Baggio.

Nhưng trong bóng đá, đôi khi sự vĩ đại không chỉ được đong đếm bằng các danh hiệu. Khi hậu bối Francesco Totti được đề nghị so sánh thành quả của anh với Baggio tại World Cup, cựu số 10 của AS Roma trả lời: "Ý anh là tôi vô địch còn anh ấy thì không ư? Nhưng Baggio chỉ chơi bóng với một chân mà thôi!".

Cái gọi là "chơi bóng với một chân" mà Totti nhắc tới là chấn thương xảy ra với Bagggio từ năm 1985. Danh thủ này, khi ấy, còn là một thần đồng bóng đá nổi như cồn tại giải hạng dưới trong màu áo Vicenza. Ra mắt đội một từ năm 16 tuổi, cậu bé tuổi teen ấy chỉ mất hai năm để nhận giải Cầu thủ hay nhất Serie C, và được xem như số 10 sáng giá nhất Italy kể từ sau "Cậu bé vàng" Gianni Rivera. Anh được Fiorentina nhắm đến và mọi thủ tục gần như đã xong xuôi để Baggio chuyển tới khoác áo đội bóng Serie A.

Baggio thời mới nổi trong màu áo Vicenza. 

Nhưng trong một nỗ lực xoạc bóng trong trận gặp Rimini ngày 5/5/1985, cả dây chằng lẫn sụn chêm đầu gối phải của Baggio đều bị huỷ hoại. Chấn thương này khủng khiếp tới mức nhiều bác sĩ đã khẳng định Baggio sẽ không bao giờ chơi bóng được nữa. Sau khi giải nghệ hai thập niên sau với 643 trận ở cấp CLB và 56 trận cùng ĐTQG, Baggio kể lại trong tự truyện: "Trong suốt sự nghiệp, tôi chỉ chơi bóng với một chân rưỡi. Hàng ngàn giờ tập luyện chỉ để giữ cho một chân còn lại hoạt động. Tôi luôn chơi bóng mà không hoàn toàn lành lặn. Nếu tôi chỉ ra sân khi cảm thấy hoàn toàn khoẻ mạnh, có lẽ tôi chỉ đá hai, ba trận bóng mỗi năm".

Bi kịch còn nằm ở việc Baggio bị dị ứng với những loại thuốc giảm đau, khiến những ngày tháng hậu phẫu thuật chẳng khác gì địa ngục với một chàng trai 18 tuổi. Anh hồi tưởng trên trang Football Italia: "Các giáo sư nhìn đầu gối tôi, lắc đầu và nói tôi sẽ không bao giờ chơi bóng được nữa. Tôi phải phẫu thuật đầu gối sáu lần, bốn lần chân phải và hai lần chân trái. Cuộc phẫu thuật tại Pháp là tệ nhất. Người ta phải khoan một lỗ ở xương chày của tôi để neo dây chằng, và tôi không được dùng thuốc chống viêm vì bị dị ứng".

"Các bác sĩ đã khâu tổng cộng 220 mũi. Tôi đau tới mức bảo mẹ: 'Nếu mẹ yêu con, hãy giết con đi'. Hai tuần sau ca phẫu thuật, tôi sụt mất 12 kg. Tôi chẳng thiết ăn uống gì và khóc suốt ngày bởi những tổn thương cả về tinh thần lẫn thể chất. Đó là sự tuyệt vọng của một thanh niên vừa thoáng chạm tay vào giấc mơ của cuộc đời bỗng thấy nó trôi đi thật xa và đau đớn khôn tả", anh kể tiếp. Giai đoạn đó cũng là lúc Baggio hướng tới đạo Phật để giúp tâm hồn thanh tịnh và tập trung suy nghĩ tốt hơn.

Bất chấp chấn thương khủng khiếp ấy, Fiorentina vẫn đặt trọn niềm tin vào Baggio. Điều đó thể hiện qua mức phí chuyển nhượng trị giá 1,5 triệu bảng. Đây là một con số khổng lồ cho một cầu thủ tuổi teen thời bấy giờ, xét theo kỷ lục chuyển nhượng thế giới năm 1984 là khoản tiền 5 triệu bảng Napoli bỏ ra để chiêu mộ Diego Maradona từ Barca. Suốt mùa giải 1985-1986, Baggio không thể ra sân cho Fiorentina tại Serie A và chỉ góp mặt trong năm trận đá Cup.

Mùa giải sau đó Baggio mới có lần chào sân tại hạng đấu cao nhất Italy. Tuy nhiên, chấn thương đầu gối khiến anh chỉ thi đấu được 10 lần trên mọi mặt trận và ghi được ba bàn. Bàn thắng duy nhất của Baggio tại Serie A mùa giải ấy là một cú sút phạt thành bàn - món vũ khí sẽ trở thành thương hiệu của anh sau này. Cú đá phạt đến vào một ngày tháng 5/1987 trong trận gặp Napoli của Maradona, giúp quân bình tỷ số 1-1 và cứu Fiorentina khỏi cảnh xuống hạng.

Napoli 1-1 Fiorentina (Serie A 1986-1987): Siêu phẩm đá phạt của Baggio

Mãi tới mùa giải 1987-1988, Baggio mới có thể thường xuyên vào sân và cho các tifosi thấy tài năng tuyệt luân của anh. Trong ba năm cuối khoác áo Fiorentina, Baggio lần lượt ra sân 34, 41 và 46 trận, ghi tổng cộng 52 bàn và là một trong những chân sút hiệu quả nhất giải. Mùa 1989-1990 đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc của Baggio, khi anh ghi 17 bàn tại Serie A và chỉ xếp sau Vua phá lưới Van Basten. Với thành tích ấn tượng trên kèm theo việc giúp Fiorentina lọt vào chung kết Cup UEFA, Baggio được trao giải "Bravo" cho cầu thủ U23 hay nhất châu Âu và về thứ tám trong cuộc đua Quả Bóng Vàng châu Âu 1990.

Ở trên sân, anh có thể đảm nhiệm được cả vai trò tiền vệ công lẫn tiền đạo, tạo nên một vị trí mà Michel Platini gọi là "số chín rưỡi". Chẳng phải ngẫu nhiên mà nhạc sĩ Lucio Dalla ngợi ca Baggio "biến điều không thể thành có thể, là bông tuyết rơi từ cánh cửa thiên đàng". Không xúc động sao được khi xem Baggio đi bóng qua những hàng phòng ngự với những động tác kỹ thuật điêu luyện, loại bỏ đối phương bằng một pha đảo chân, ngả người, lắc hông hay đột ngột chuyển hướng. Sự sáng tạo của Baggio khiến những ngôi sao kiến thiết như Zico hay Brian Laudrup cũng phải nể phục, trong khi kỹ năng đá phạt giúp Baggio sau này trở thành chân sút phạt hay thứ tư trong lịch sử Serie A.

Những phẩm chất ấy khiến Juventus bỏ ra 8 triệu bảng để biến Baggio thành cầu thủ đắt giá nhất thế giới, dù anh không hề muốn rời bỏ đội bóng áo tím. Theo tờ The New York Times, Baggio đã bí mật được đưa ra khỏi Florence giữa đêm bằng một chiếc limousine. Khi thông tin về vụ chuyển nhượng được lan ra, người dân Florence đổ ra đường để phản đối. Sự bức xúc lớn tới mức có đến 50 người phải nhập viện vì những vụ bạo động.

Khi được yêu cầu bình luận về vụ chuyển nhượng, Baggio khẳng định: "Tôi bị buộc phải chấp nhận thương vụ này. Sâu thẳm trong trái tim tôi luôn là màu tím của Fiorentina". Sự nặng tình với đội bóng cũ được thể hiện trong trận Juventus gặp Fiorentina ngày 7/4/1991. Khi Juve được hưởng một quả phạt đền, Baggio từ chối đảm nhiệm trọng trách dù anh vẫn luôn là người sút 11m của đội. Lý do mà Baggio đưa ra là thủ thành Gianmatteo Mareggini đã hiểu anh quá rõ khi còn là đồng đội.

Baggio nhặt khăn của Fiorentina - như một cách thể hiện tình yêu với đội bóng cũ Fiorentina.

Người thực hiện cú sút thay Baggio là Luigi De Agostini không thành công và Juventus bại trận. Hành động từ chối sút 11m kể trên, cộng thêm việc cúi xuống nhặt một chiếc khăn quàng cổ tím của Fiorentina khi rời sân của Baggio khiến CĐV Juventus phẫn nộ. Từ vụ chuyển nhượng trái ý cho tới ân tình với Fiorentina như báo hiệu cho sự nghiệp trắc trở của Baggio tại các CLB lớn.

Anh là một trong số ít những cầu thủ từng khoác áo ba CLB lớn của Italy là Juventus, AC Milan và Inter Milan, nhưng dường như chỉ tìm được sự bình yên tại Fiorentina, Bologna hay sau này là Brescia.

Tóc đuôi ngựa thần thánh

Không phải ngẫu nhiên mà Baggio có biệt danh "Il Divin Codino" - "Tóc đuôi ngựa thần thánh". "Tóc đuôi ngựa" mô tả với kiểu tóc thương hiệu, còn "thần thánh" nói về niềm tin với tôn giáo cũng như tài năng chơi bóng của Baggio. Xuất thân từ đất nước nổi tiếng với thứ bóng đá phòng ngự đổ bê tông trứ danh và sản sinh vô số huyền thoại ở hàng phòng ngự, Baggio lại sở hữu kỹ thuật và sự khéo léo của một ngôi sao Nam Mỹ.

Kể cả khi đã ngoài 30, Baggio vẫn có những khoảnh khắc khiến người xem sững sờ. Trong trận Brescia gặp Juventus năm 2001, hai thiên tài của bóng đá Italy đã tạo nên một siêu phẩm để đời từ những vũ khí mang tính thương hiệu. Ở vạch vôi giữa sân, tiền vệ trẻ Andrea Pirlo bấm một đường chuyền dài về phía khung thành Juventus. Baggio khéo léo đón bóng ngay trong vòng cấm địa bằng cú một chạm hoàn hảo, vừa đủ để trái bóng vượt quá tầm với của thủ môn Edwin Van der Sar và đưa bóng vào lưới trống. Đỡ bóng một chạm – kỹ năng cơ bản bậc nhất trong bóng đá – vào chân Baggio cũng thành một tác phẩm nghệ thuật.

Juve 1-1 Brescia

Muốn biết Baggio giỏi đến nhường nào, hãy thử tham khảo ý kiến những cầu thủ và HLV cùng thời với anh. HLV đầu tiên của Baggio tại Fiorentina Aldo Agroppi ngợi ca "những thiên thần cất lên những khúc ca ở chân Baggio", trong khi HLV cuối sự nghiệp của anh là Carlo Mazzone tại Brescia quả quyết: "Baggio là fantasia hay nhất lịch sử Italy, giỏi hơn cả Meazza và Boniperti. Cậu ấy là một trong những cầu thủ vĩ đại nhất mọi thời, xếp ngay sau Maradona, Pele và có lẽ là Cruyff nữa. Nếu không có những chấn thương và gặp vấn đề với đầu gối, cậu ấy sẽ là cầu thủ hay nhất lịch sử".

Người đồng đội cũ David Platt không thể quên ký ức về sự xuất sắc của Baggio: "Tôi đặc biệt nhớ về chiến thắng 5-1 trước Ancona. Baggio ghi hai bàn và giúp kết liễu trận đấu chỉ trong 20 phút đầu. Tôi không nghĩ mình từng chứng kiến màn trình diễn nào xuất sắc hơn trong những trận đấu mình từng góp mặt. Một trận đấu nổi bật khác là khi cậu ấy ghi poker trước Udinese. Tôi có vinh dự được chơi cùng đội Juventus ngày ấy. Cũng không hẳn là 'chơi cùng', gọi là ... đứng xem thì chuẩn xác hơn. Cậu ấy ghi hai bàn bằng cách đi dạo qua nguyên hàng phòng ngự. Chiến thuật mà mọi đội bóng Italy áp dụng khi gặp Juventus là kèm Baggio chặt nhất có thể. Cậu ấy không chỉ biết cách chung sống với điều đó mà còn vượt qua được và bỏ túi 15-20 bàn mỗi mùa. Trong khuôn khổ bóng đá, cậu ấy là thiên tài".

Tài năng của Baggio không chỉ được thừa nhận bởi đồng đội mà còn bởi những đối thủ. Trong bài phỏng vấn năm 2014 với tờ Financial Times, HLV Carlo Ancelotti hối tiếc vì lỡ cơ hội ký hợp đồng với Baggio khi còn dẫn dắt Parma: "Cậu ấy chuyển tới khoác áo Bologna và ghi 22 bàn - cho Bologna! Tôi đã đánh mất 25 bàn thắng! Đó là một sai lầm nghiêm trọng". Khi thấy Baggio phải ngồi dự bị, siêu sao Zidane của Juventus lắc đầu: "Tôi sẽ không bao giờ hiểu được điều vô lý này".

Danh tiếng về Baggio vang xa tới mức những siêu sao thế giới cũng háo hức về cơ hội được sát cánh cùng anh. Khi Baggio chuyển tới Inter Milan sau World Cup 1998, "Người ngoài hành tinh" hào hứng: "Baggio thật tuyệt vời. Tôi đã chơi bóng cùng nhiều cầu thủ xuất chúng, nhưng không ai giống như anh ấy cả. Một cầu thủ thật thông minh, mạnh mẽ và là một con người thật nhân hậu".

Guardiola từng từ chối nhiều CLB lớn để đến Brescia chơi bóng ở cuối sự nghiệp, vì muốn đá cùng Baggio. 

Khi chọn bến đỗ mới sau cả sự nghiệp gắn bó với Barca, Pep Guardiola khiến nhiều người bất ngờ khi từ chối nhiều CLB lớn để , bởi ở đó có Baggio. Guardiola khẳng định: "Tôi muốn được chơi bóng với Roberto Baggio. Tôi lớn lên với huyền thoại về Baggio, nên khi có cơ hội được sát cánh cùng anh ấy, tôi gật đầu ngay không cần suy nghĩ thêm".

Baggio khoác áo Brescia khi đã 33 tuổi, nhưng bốn năm chơi bóng tại vùng Lombardy đủ để anh được thừa nhận là cầu thủ hay nhất lịch sử CLB. Trước khi có Baggio, đội bóng này chưa bao giờ tránh được xuống hạng sau khi mới lên chơi mùa đầu tại Serie A trong suốt bốn thập niên. Nhưng từ mùa hè năm 2000 cho tới khi Baggio giải nghệ, Brescia luôn trụ vững tại giải đấu hạng cao nhất Italy. Tại Brescia, Baggio vẫn ghi được tới 46 bàn sau 101 trận để được CLB treo vĩnh viễn chiếc áo số 10.

Trong cuộc bình chọn "Cầu thủ hay nhất lịch sử thế kỷ 20" của FIFA, Baggio lần lượt về thứ tư và thứ bảy trong các bảng xếp hạng thực hiện bởi Internet và các chuyên gia. Anh cũng là Cầu thủ Italy hay nhất thế kỷ trong một cuộc bầu chọn năm 2000. Đỉnh cao của sự nghiệp Baggio là năm 1993, khi anh ghi 39 bàn trên mọi mặt trận, giúp Juventus đoạt Cup UEFA và giành giải "Quả Bóng Vàng châu Âu" với 142 trong 150 điểm tối đa cũng như danh hiệu "Cầu thủ hay nhất năm của FIFA"!

Dù chưa từng đứng trên bảng vàng Vua phá lưới Serie A, Baggio vẫn là một chân sút huyền thoại của giải đấu. Anh hiện đứng thứ bảy trong danh sách những cầu thủ ghi nhiều bàn nhất tại Serie A trong lịch sử với 205 bàn qua 452 trận trong màu áo Fiorentina, Juventus, AC Milan, Bologna, Inter Milan và Brescia. Cũng tại đấu trường này, Baggio có thêm 123 pha kiến tạo để xác minh vị thế của "cầu thủ hay nhất Italy 30 năm trở lại" như lời nhận xét của Gianluigi Buffon.

Baggio đoạt Quả Bóng Vàng 993
Mùa giải 1992-1993 thăng hoa giúp Baggio đoạt Quả Bóng Vàng châu Âu.

Siêu sao lận đận

Tài năng nhường ấy, nhưng bảng vàng thành tích của Baggio thua xa so với nhiều huyền thoại bóng đá. Sự trắc trở của anh với các CLB lớn như được báo hiệu bởi chấn thương khủng khiếp cuối thời gian khoác áo Vicenza và cuộc trốn chạy trong đêm ở Fiorentina. Tại Juventus, vai trò của người đội trưởng số 10 bị suy giảm đáng kể với sự xuất hiện của tân HLV Marcello Lippi từ đầu mùa giải 1994-95. Khi ấy, Lippi là HLV được săn đón bậc nhất Italy sau khi giúp một Napoli-hậu-Maradona được dự Cup UEFA.

Theo trang Forza Italian Football, thập niên 1990 đánh dấu giai đoạn nhiều đội bóng tại Calcio phát triển chiến thuật để tấn công tập thể, tránh phụ thuộc vào sự tỏa sáng của những cá nhân vốn dễ bị bắt bài. Những cầu thủ tài hoa như Gianfranco Zola hay Roberto Mancini không được các đội bóng lớn trọng dụng, và thiên tài Baggio cũng không phải ngoại lệ. Một trong những điều mà Lippi muốn làm đầu tiên khi đặt chân tới Juventus là khiến Bà đầm già thành Turin "bớt lệ thuộc vào Baggio".

càng dễ triển khai khi Baggio gặp chấn thương đầu gối trong trận Padova và phải ngồi ngoài ba tháng. Suốt cả mùa giải đó, Baggio chỉ có ra sân 17 lần do chấn thương và sự nổi lên của tài năng trẻ sẽ thế chỗ anh trở thành biểu tượng trên hàng công Juventus nhiều năm sau: Alessandro Del Piero. 

Lippi nhận thấy đội bóng có thể hoạt động tốt mà không có Baggio, trong khi ban lãnh đạo đề nghị Baggio cắt giảm một nửa lương nếu muốn ở lại. Hệ quả là đương kim Quả Bóng Bạc châu Âu 1994 phải tìm đường rời sân Delle Alpi. Đó cũng là mùa giải đầu tiên Baggio có được cú đúp quốc nội sau năm năm gắn bó với Juventus, nhưng cũng là lần cuối cùng anh khoác màu áo sọc trắng đen.

Sang mùa 1995-1996, Baggio gia nhập AC Milan với giá 6,8 triệu bảng. Anh chọn ở lại trong nước thay vì xuất ngoại theo lời mời gọi của Real Madrid và Man Utd. Tại Milan, Baggio có thêm một scudetto ngay trong mùa giải đầu tiên, là chân chuyền số một Serie A với 12 đường kiến tạo và thậm chí còn được cổ động viên Milan bình chọn là "Cầu thủ hay nhất mùa giải" của đội bóng.

Baggio chưa bao giờ thi đấu đúng kỳ vọng trong màu áo Milan. 

Nhưng số lần đá đủ 90 phút của anh chỉ đếm đủ trên đầu ngón tay, khi HLV Fabio Capello không cho rằng Baggio đủ thể lực để đá cả trận. Mối quan hệ của Baggio với người kế nhiệm Capello là Oscar Tabarez thậm chí còn tệ hơn, khi nhà cầm quân người Uruguay này thẳng thừng gạt anh khỏi đội hình chính với lý do "trong bóng đá hiện đại không còn chỗ cho những nhà thơ". Ngay cả khi ông thầy cũ của Baggio tại tuyển Italy Arrigo Sacchi lên thay Tabarez, ngôi sao này vẫn thường xuyên phải ngồi ghế dự bị.

Mùa giải 1997-1998, Baggio được AC Milan đem cho Bologna mượn khi HLV Capello cho biết ông không có kế hoạch cho Baggio trong lần thứ hai cầm quân tại San Siro. Parma của Ancelotti bỏ lỡ cơ hội mượn Baggio và phải nuối tiếc khi cầu thủ 31 tuổi này ghi liền 22 bàn tại Serie A để trở thành chân sút nội hay nhất mùa giải, đồng thời được gọi trở lại đội tuyển dự World Cup 1998.

Sau giải đấu trên đất Pháp, Baggio một lần nữa phải chuyển đội bóng. Lần này, anh gia nhập CLB ưa thích thời thơ ấu - Inter Milan, nơi có những hảo thủ trên hàng công như Ronaldo, Ivan Zamorano hay Youri Djorkaeff. Nhưng một lần nữa vận rủi lại đeo bám Baggio, khi mùa giải của Inter Milan chứng kiến điệu valse trên ghế huấn luyện. Lần lượt Luigi Simoni, Mircea Lucesco, Luciano Castellini tới Roy Hodgson được đưa lên để dẫn dắt nửa xanh thành Milan, nhưng đội bóng đầy tài năng ấy lại chỉ về đích thứ tám tại Serie A và bị loại từ tứ kết Champions League.

Cá nhân Baggio không tệ khi là chân sút tốt thứ ba của Inter với 11 bàn thắng. Nhưng số phận như trêu ngươi thiên tài này khi sắp xếp để anh tái ngộ Lippi - HLV đã đẩy anh khỏi Juventus bốn năm trước. Nhà cầm quân này để Baggio mài đũng quần trên ghế dự bị với lý do anh "mất phong độ". Điều này được chính Baggio phủ nhận trong một cuộc họp báo sau trận đấu cũng như cuốn tự truyện sau này. Theo Baggio, lý do Lippi đày ải mình là do anh không chịu chỉ điểm những nhân vật thể hiện thái độ chống đối với HLV trong phòng thay đồ.

Top 10 bàn thắng đẹp tại Inter của Roberto Baggio
10 bàn đẹp nhất của Baggio trong màu áo Inter. 

Bị Lippi trù dập trong phần lớn mùa giải, nhưng Baggio vẫn giữ sự chuyên nghiệp tột cùng. Thành tích của Inter tại Serie A có khá khẩm hơn mùa trước, song họ vẫn không thể cạnh tranh chức vô địch mà chỉ có thể tranh suất dự Champions League với Parma trong trận play-off. Chủ tịch Massimo Moratti đã khẳng định ghế của Lippi phụ thuộc vào chiếc vé Champions League, và nhà cầm quân tóc bạc này không còn cách nào khác ngoài việc sử dụng Baggio khi những cầu thủ khác đều gặp chấn thương.

Trận playoff ghi nhận phẩm chất thiên tài của Baggio, khi anh ghi liền hai bàn vào lưới Gianluigi Buffon để giúp Inter thắng 3-1. Đây là một trong những lần hiếm hoi tờ La Gazzetta dello Sport cho điểm tuyệt đối 10/10 với màn trình diễn của một cầu thủ. Baggio đã giữ chiếc ghế cho "gã đầu bạc" Lippi, trước khi tiếp tục hành trình của anh tại đội bóng mới thăng hạng Brescia mùa giải 2000-2001.

Trước khi rời Inter, Baggio cứu cho Lippi khỏi bị sa thải khi tỏa sáng, góp công lớn vào trận thắng Parma ở play-off Champions League. 

Đội bóng cuối sự nghiệp này là nơi Baggio thực sự được trân trọng, khi từ chủ tịch Luigi Corioni cho đến HLV Carlo Mazzone đều nói những lời có cánh về anh. Theo Mazzone, Baggio là tấm gương mẫu mực cho cả đội về cả tính cách lẫn chuyên môn. Người đồng đội Luca Toni không khỏi thán phục: "Khi Roby tập luyện, anh ấy luôn cố hết sức mình với sự say mê như một đứa trẻ. Anh ấy luôn nói: ‘Nếu các cậu gặp vấn đề hay cần lời khuyên gì, cứ tìm đến tôi’".

Những chấn thương vẫn không buông tha Baggio tại Brescia -  nơi anh đặt mục tiêu thi đấu tốt để được dự World Cup 2002 trước khi giải nghệ. Mùa giải 2001-02, Baggio bị đứt dây chằng chân trái và phải dưỡng thương bốn tháng. Khi trở lại vào cuối mùa giải, anh vẫn đóng góp những bàn thắng giúp đội bóng trụ hạng. Song chừng đó là không đủ với Trapattoni, người tin rằng sự xuất hiện của Baggio là không cần thiết trong một tuyển Italy đã có Del Piero, Totti, Christian Vieri, Filippo Inzaghi và Vicenzo Montella.

Những tưởng Baggio sẽ giã từ sân cỏ khi không được lên chuyến bay tới châu Á hè 2002, nhưng rốt cuộc anh chọn ở lại Brescia để hoàn thành một cột mốc lịch sử: Ghi hơn 200 bàn thắng tại Serie A. Baggio không những chinh phục được cột mốc trên, mà còn kết thúc sự nghiệp với 205 bàn thắng tại giải đấu số một Italy.

Chỉ gắn bó bốn năm, nhưng Baggio vẫn được xem là một huyền thoại ở Brescia. 

Không chỉ vĩ đại trong bóng đá, Baggio còn là một nhân cách lớn ở ngoài đời với nhiều hoạt động từ thiện. Năm 2010, anh được trao giải "Man of Peace" - vốn chỉ được dành cho những cá nhân làm việc trong lĩnh vực văn hoá - giải trí góp phần bảo vệ quyền con người và đề cao hoà bình, công lý trên toàn thế giới. Khi trở thành người đầu tiên từ thế giới bóng đá nhận giải thưởng đặc biệt này, Baggio nói: "Đây là một vinh dự còn lớn hơn Quả Bóng Vàng. Mọi thành tựu cá nhân đều chẳng thể sánh được với nó".

Cú sút luân lưu nghiệt ngã

Nhiều cây viết thể thao Italy tin rằng nếu Baggio sinh ra tại một đất nước như Brazil hay Argentina, anh sẽ được trân trọng hơn. Ký giả Emmet Gates nhận định "Baggio không may sinh nhầm nơi, hoặc sinh ra tại Italy không đúng thời điểm". Tờ The Guardian thậm chí còn bình luận: "Thành tích của Baggio không tương xứng với danh tiếng của anh ấy. Baggio được nhớ đến nhiều bởi chấn thương, sự đen đủi và lòng dũng cảm của anh hơn là những chiến tích. Sự nghiệp của anh ấy là tập hợp của những pha bóng siêu hạng, những trận đấu mà trí tưởng tượng và tài năng của anh ấy vượt xa mọi kỳ vọng thông thường. Thế nhưng ký ức mãi đọng lại về Baggio sẽ là cú penalty hỏng ăn cuối trận chung kết World Cup 1994 tại Pasadena".

Cú sút luân lưu định mệnh ấy là ký ức nghiệt ngã nhất Baggio, nhưng hãy lùi lại vài năm để hiểu sự bi tráng của một người hùng từ đỉnh cao bị vùi xuống vực sâu. Mùa hè năm 1990, nữ diva Madonna lên sân khấu Rome trong chiếc áo thiên thanh của tuyển Italy với số 15 trên lưng. Ngôi sao nhạc pop hàng đầu thế giới lý giải tại sao bà lại mặc áo của Baggio: "Bàn thắng vào lưới Tiệp Khắc thật tuyệt diệu. Trước đó tôi không biết tên anh ấy, nhưng bàn thắng cùng đôi mắt xanh ấy đã chinh phục tôi".

Không chỉ Madonna, hàng triệu khán giả trên toàn cầu đều bị hớp hồn bởi siêu phẩm của Baggio trong trận cuối vòng bảng World Cup 1990. Baggio nhận bóng từ biên trái ở giữa sân, đập nhả với Giuseppe Giannini trước khi thực hiện cú solo ngoạn mục. Anh vượt qua cú tắc bóng của một đối phương, đánh lừa cả hàng thủ Tiệp Khắc bằng động tác pha ngả người điệu nghệ trước khi đưa bóng vào gôn. Đây là bàn thắng đẹp nhất World Cup 1990, cũng như xếp thứ bảy trong danh sách những bàn thắng đẹp nhất lịch sử World Cup trong một cuộc bình chọn của FIFA sau này.

Roberto Baggio ghi bàn vào lưới Tiệp Khắc 1990

Ngày ấy, Baggio mới 23 tuổi nhưng đã là trụ cột Fiorentina, được so sánh với số 10 hay nhất Serie A thời bấy giờ là Maradona. Nếu tại một đội tuyển khác, ngôi sao này không những mặc nhiên đá chính mà còn là cái tên lĩnh xướng hàng công. Nhưng tuyển Italy của HLV Azeglio Vicini lại trọng dụng chân sút hơn anh hai tuổi Gianluca Vialli trong giải đấu lớn trên sân nhà.

Phải tới trận cuối vòng bảng, Baggio mới được đá chính và tạo nên tuyệt tác trước Tiệp Khắc. Anh giữ yên vị trí xuất phát trong trận gặp Uruguay ở vòng 1/8 và góp phần giúp Salvatore Schillaci mở tỷ số, đồng thời có một cú đá phạt thành bàn không được công nhận. Trong trận tứ kết gặp CH Ireland, Baggio tiếp tục đá chính và tham gia vào tình huống dẫn đến bàn thắng duy nhất của Schillaci.

Nhưng đến trận bán kết gặp Argentina, Vialli lại được đá chính. Đó là một quyết định khó hiểu với không chỉ khán giả, giới chuyên môn mà cả với Baggio. Anh hồi tưởng: "HLV bảo tôi trông mệt mỏi, nhưng khi ấy tôi mới 23 tuổi. Có bảo ăn cỏ để được ra sân tôi cũng sẵn sàng!".

Trận đấu hòa 1-1 trong 120 phút thi đấu và bước sang loạt luân lưu may rủi, nơi Argentina giành chiến thắng trước đội chủ nhà. Baggio là một trong ba người sút thành công của Italy, nhưng nhiều người vẫn tự đặt câu hỏi "Liệu mọi chuyện có khác nếu Baggio vào sân từ đầu thay vì chỉ được tung vào từ cuối hiệp 2?". Những câu hỏi "Biết đâu" càng nhiều hơn khi chứng kiến cách Baggio thi đấu trước tuyển Anh trong trận tranh giải ba. Anh tự ghi bàn mở tỷ số và chủ động nhường cú sút 11m cho đồng đội Schillaci. Nghĩa cử của Baggio đặc biệt bởi anh là người được chỉ định sút penalty của tuyển Italy. Chính cú penalty được Baggio nhường lại đã giúp Schillaci vươn lên trở thành Vua phá lưới World Cup 1990.

Tài nghệ của Baggio đã được khẳng định trong màu áo Italy kể từ World Cup 1990 trên sân nhà. 

Sau World Cup 1990, HLV Vicini tiếp tục không trọng dụng Baggio trong chiến dịch vòng loại Euro 1992. Hệ quả là Italy không thể vượt qua vòng loại còn Vicini bị thay thế bởi Arrigo Sacchi. Dưới thời cựu HLV Milan, Baggio rực sáng khi ghi năm bàn và kiến tạo bảy bàn để đưa Azzurri giành vé dự World Cup 1994.

Baggio bước vào giải đấu trên đất Mỹ với một vị thế khác hẳn bốn năm về trước. Anh là đương kim Quả Bóng Vàng châu Âu và là ngôi sao số một trên hàng công Italy. Ba trận đầu vòng bảng diễn ra theo kịch bản không tifosi nào nghĩ tới: Italy ì ạch lết vào vòng trong nhờ là đội xếp thứ ba có thành tích tốt ... thứ tư trong bảng đấu gồm những đối thủ Mexico, CH Ireland và Na Uy.

Về phần Baggio, anh không những tịt ngòi mà còn bất ngờ bị Sacchi rút khỏi sân khi thủ thành Gianluca Pagliuca bị thẻ đỏ trong trận gặp Na Uy. Những tưởng Baggio và tuyển Italy sẽ có một giải đấu đáng quên, nhất là khi họ gặp ngựa ô Nigeria ở vòng 16 đội. Nhưng vòng loại trực tiếp cũng là lúc "Tóc đuôi ngựa thần thánh" tìm được phong độ xuất sắc nhất.

Anh ghi cả hai bàn giúp Italy vượt qua đội bóng châu Phi 2-1, ấn định tỷ số trong những phút cuối cùng trước Tây Ban Nha tại tứ kết. Trong trận bán kết trước Bulgaria của Hristo Stoichkov, Baggio tiếp tục lâp cú đúp đưa đội nhà vào chung kết. Sau trận đấu, Stoichkov chỉ biết thán phục: "Mọi đường lên bóng của Italy đều hướng về Baggio. Anh ấy được kỳ vọng xứng danh một ngôi sao, và hôm nay anh ấy đã làm được điều đó".

Cả vòng loại trực tiếp năm ấy, tuyển Italy ghi được sáu bàn thì mình Baggio ghi đến năm. Phải lùi lại tám năm trước, người ta mới có thể thấy một siêu sao "gánh team" tương tự là Diego Maradona cùng tuyển Argentina. Trận chung kết World Cup 1994 không đơn thuần là cuộc tranh tài giữa hai đội tuyển hùng mạnh đều từng ba lần vô địch World Cup là Brazil và Italy. Đó còn là cuộc đua cá nhân giữa hai siêu sao Romario và Baggio cho danh hiệu Vua phá lưới và Quả Bóng Vàng World Cup khi cả hai cùng có được năm bàn và là linh hồn của hàng công.

Albertini chúc mừng Baggio sau khi đồng đội lập cú đúp giúp Italy loại Bulgaria ở bán kết World Cup 1994.

Tại sân Rose Bowl, Pasadena ngày 17/7/1994 năm ấy, lần đầu có một trận chung kết World Cup không có bàn thắng trong suốt 120 phút. Cả Romario lẫn Baggio đều không thể hiện được nhiều trong thế trận chặt chẽ, và trận đấu được định đoạt bởi loạt sút luân lưu. Trong lượt sút đầu tiên, cả hai trung vệ Marcio Santos lẫn Franco Baresi đều sút hỏng. Tuy nhiên, Brazil thành công trong cả ba lượt sút sau, trong khi Daniele Massaro sút hỏng trong lượt thứ tư của Italy.

Hệ quả là cầu thủ sút penalty hay nhất phía Italy bước lên thực hiện lượt sút cuối cùng không phải để ấn định chiến thắng, mà để níu hy vọng mong manh cho Italy. Baggio đã thực hiện thành công đợt sút luân lưu tại bán kết World Cup 1990, cũng như quả phạt đền phút cuối trận trước Nigeria vòng 16 đội. Và không nhiều người nghĩ cú sút của Baggio sẽ bị Claudio Taffarel cản phá.

Quả thực, Taffarel không chạm được tay vào bóng, bởi trái bóng đi thẳng từ chân Baggio bay vọt xà. Hàng vạn CĐV Brazil có mặt trên sân vỡ oà trong sung sướng, ban huấn luyện và các cầu thủ Brazil ùa ra vui mừng. Nhưng trong ngày đăng quang ấy của Brazil, có một hình ảnh in sâu đậm trong tâm trí những người Italy và các fan trung lập trên toàn thế giới. Đó là "Tóc đuôi ngựa thần thánh" Baggio tay chống nạnh, cúi gằm mặt thẫn thờ sau cú penalty hỏng ăn nổi tiếng nhất lịch sử bóng đá. Trước mặt anh, Taffarel quỳ gối ăn mừng. Sau lưng anh, các cầu thủ Brazil bắt đầu mở tiệc. Giữa hai niềm vui tột độ ấy là sự cô đơn muôn trượng của Baggio.

Chung kết World Cup 1994: Brazil 0-0 Italy (Pen 3-2)
Diễn biến chính trận chung kết World Cup 1994.

Đôi khi ranh giới giữa người hùng và tội đồ cách nhau mong manh chỉ vài mét. Nếu cú sút của Baggio đi vào khung thành, nếu Brazil thực hiện hỏng liền hai lượt luân lưu và Italy ghi bàn trong lượt sút thứ sáu, chắc chắn Baggio sẽ có mọi vinh quang cá nhân năm đó. Nhưng với chữ "Nếu", người ta có thể nhét cả Paris vào một cái chai.

Sự thật luôn tàn khốc với Baggio: anh bị nhớ đến như kẻ đã đá bay chiếc cúp vàng thứ tư của Italy, và các danh hiệu cá nhân năm 1994 thuộc về tay bộ đôi Barca. Stoichkov nhận Quả Bóng Vàng châu Âu và ngôi Vua phá lưới World Cup, còn Romario đoạt Quả Bóng Vàng World Cup, Cầu thủ hay nhất năm của FIFA.

Cánh cửa tới Thiên đàng

Năm 2002, Baggio cho xuất bản cuốn tự truyện mang tiêu đề "Una Porta Nel Cielo". Tựa cuốn sách như một trò chơi chữ đặc biệt, khi có thể dịch sang hai nghĩa: "Khung thành trên bầu trời xanh" hoặc "Cánh cửa tới Thiên đàng". Trong đó, Baggio kể về con đường dẫn tới trận chung kết World Cup: từ bàn thắng đem lại sự tự tin trước Nigeria, niềm tin mãnh liệt vào đạo Phật cho đến chấn thương cơ nhẹ anh gặp phải trong trận bán kết.

Anh kể lại về cú sút luân lưu định mệnh: "Trước đó trong sự nghiệp, tôi hiếm khi sút trượt penalty. Và những cú sút đó thất bại vì thủ môn đã cản được chúng chứ không phải vì tôi sút ra ngoài. Nói vậy để các bạn hiểu rằng không dễ để giải thích điều đã xảy ra tại Pasadena. Khi bước lên chấm 11m, tôi ở trong trạng thái minh mẫn nhất có thể. Tôi biết rằng Taffarel luôn có thói quen đổ người nên quyết định sút vào chính giữa để anh ấy không thể với bóng bằng chân. Đó là một quyết định thông minh bởi Taffarel quả thực đã đổ người sang trái, và anh ta sẽ không đời nào cản được cú sút tôi đã định".

"Thật không may, trái bóng đã bay hơn ba mét và vọt qua xà ngang. Tôi đã thất bại trong cú sút ấy, và nó ảnh hưởng tới tôi trong suốt nhiều năm. Đó là khoảnh khắc tệ nhất sự nghiệp của tôi. Đến nay, tôi vẫn có lúc mơ về nó. Nếu tôi có thể xoá đi một khoảnh khắc sự nghiệp, tôi sẽ chọn xoá pha bóng đó".

Baggio đá hỏng 11m tại chung kết World Cup 1994
Cú đá luân lưu hỏng định mệnh của Baggio ở chung kết World Cup 1994. 

"Một điều đôi khi vẫn bị lãng quên là kể cả khi tôi có thành công, Brazil vẫn có thể vô địch với lượt sút còn lại bởi Baresi và Massaro đã thất bại trước tôi. Đó là một phần của cuộc chơi. Tôi đã sút hỏng lượt cuối, do đó 'xoá đi' những cú sút thất bại của Baresi và Massaro. Người ta phải chọn ra một hình ảnh biểu trưng cho trận chung kết, và người ta chọn sai lầm của tôi. Họ muốn một vật tế thần và chọn tôi, chấp nhận quên đi sự thật rằng nếu không có tôi, Italy có lẽ chẳng bao giờ vào đến trận chung kết".

"Sau cú sút ấy, tôi trông như mất hồn và vẻ mặt ấy theo tôi suốt một thời gian dài. Tôi không thể chấp nhận cách mọi thứ kết thúc. Thua một trận chung kết trên chấm phạt đền là điều tôi sẽ không bao giờ đồng ý. Liệu có đúng không khi bốn năm hy sinh khổ ải được quyết định bởi ba phút sút luân lưu? Tôi không nghĩ vậy".

Đó là bi kịch của Baggio, khi sự nghiệp cả tại CLB lẫn ĐTQG của anh đều đi xuống sau kỳ World Cup 1994. Anh mới 27 tuổi khi ấy, nhưng Sacchi hạn chế gọi anh lên tuyển như thể tồn tại một hiềm khích cá nhân. Sau khi không được tham dự kỳ Euro 1996, Baggio được Cesare Maldini gọi lên tuyển Italy dự World Cup 1998 nhờ phong độ xuất sắc trong màu áo Bologna.

World Cup 1998 là giải đấu lớn cuối cùng Baggio đứng trong hàng ngũ tuyển Italy. 

Tại kỳ World Cup 1998 ấy, Baggio ghi được hai bàn và trở thành cầu thủ Italy đầu tiên trong lịch sử bàn tại ba kỳ World Cup liên tiếp. Trong đó, bàn thắng đầu tiên là một sú sút 11m giúp Italy cân bằng tỷ số 2-2 trước Chile tại vòng bảng. Khi trọng tài vừa chỉ tay vào chấm phạt đền, Baggio bỗng cúi gằm mặt, hai tay đặt lên đầu gối như thể Italy mới là đội bị thổi 11m.

Bóng ma Pasadena bốn năm trước đã xuất hiện trong đầu Baggio, như anh thừa nhận với các phóng viên sau trận đấu: "Rõ ràng tôi đã nghĩ về trận chung kết năm 1994. Nhưng tôi tự nhủ với bản thân rằng lần này mình sẽ thành công". Khi trái bóng lăn vào lưới Chile, Baggio không hề vui mừng phấn khích như thể vừa trút được gánh nặng ngàn cân. Anh lặng lẽ chạy về vạch vôi giữa sân trong khi những người đồng đội chạy lại chúc mừng.

Baggio dường như là một con người của những mâu thuẫn. Khi người ta nghĩ rằng anh sẽ ăn mừng điên dại, anh lại bình thản như không. Khi anh sút thành công lượt sút luân lưu trước Pháp tại tứ kết World Cup 1998, Italy lại thất bại. Nhìn xa hơn, cuộc đời của Baggio luôn có sự mâu thuẫn với góc nhìn người ngoài cuộc.

Sinh ra và lớn lên tại đất nước theo Công giáo và có Giáo hoàng, Baggio lại tìm đến cửa Phật. Chơi bóng tại một môi trường đề cao phòng ngự, nhưng Baggio lại là nghệ sĩ hào hoa bậc nhất lịch sử Italy. Tài năng của anh cả triệu người mới có một, nhưng các HLV lại loay hoay không tìm ra chỗ đứng cho anh trong đội hình. Là một siêu sao bóng đá, nhưng khi giải nghệ Baggio lại sống cuộc đời như một ẩn sĩ, tránh xa những ống kính máy quay để dành thời gian bên gia đình nhỏ. Sự an yên của Baggio khiến nhiều người tin rằng, anh đích thực đã tìm được "cánh cửa tới Thiên đàng" như tên cuốn tự truyện.

Let's block ads! (Why?)

Share on Google Plus

About vegas79casino

This is a short description in the author block about the author. You edit it by entering text in the "Biographical Info" field in the user admin panel.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét