Một ĐTQG đấu một CLB ngỡ là điều phi lý, nhưng đã diễn ra vào ngày 28/4/1999, khi Brazil của Ronaldo, Romario, Rivaldo... đọ tài Barca của Guardiola, Kluivert...
Nếu từng chơi trò chơi Pro Evolution Soccer, hay "đá PES" như cách gọi dân gian, hẳn bạn từng gặp một tình huống khó chịu: mình chọn CLB, nhưng đối thủ lại chọn đội tuyển quốc gia. Làm sao có chuyện này xảy ra ngoài đời được? Các đội tuyển chỉ tập trung khi CLB nghỉ đá thôi. Nếu Barca đá với Argentina, vậy thì sẽ có hai Lionel Messi trên sân, chẳng phải quái đản lắm sao? Mặc kệ những phân tích ấy, gã đối thủ lỳ lợm cầm cần bên kia vẫn không lấy đội khác.
Nhưng trận đấu ngỡ như chỉ có trên game ấy đã thật sự xảy ra ngoài đời.
Đó là ngày 28/4/1999, Barca đấu tuyển Brazil tại Camp Nou. Figo, Guardiola và Kuilvert đối đầu Rivaldo, Ronaldo và Romario. Xứ Catalonia đối đầu các tín đồ xứ sở Samba, cùng vô vàn các kiểu đụng độ khác.
Theo lời kể của Bolo Zenden, cầu thủ của Barca hồi đó, mọi thứ "hơi quái đản". Và cũng tuyệt vời nữa.
Vào ngày diễn ra trận đấu, nhật báo thể thao Catalonia Mundo Deportivo chạy dòng tít lên trang nhất: "Trận cầu thế kỷ".
Dịp ấy, Barca kỷ niệm 100 năm thành lập. Họ đã chạy một chiến dịch truyền thông rầm rộ, để đến cả những người không mê bóng đá cũng phải biết đến sự kiện trọng đại ấy. Và trận đấu với Brazil - đội bóng được hâm mộ nhất thế giới cuối những năm 1990 - là "món chính". Trước khi vào trận là màn diễu hành của hơn 200 huyền thoại CLB, những người đã viết nên lịch sử của Barca, bao gồm cả Johan Cruyff và Laszlo Kubala.
"Rõ ràng lễ kỷ niệm đó rất quan trọng với CLB và người hâm mộ", Zenden nói với tờ The Athletic. "Không chỉ trận đấu với Brazil, Barca đã ăn mừng sự kiện này suốt một năm. Chúng tôi có những mẫu áo đặc biệt và chiến dịch hướng tới ngôi Vua Champions League sau đó một tháng".
Phải. Là Champions League. Barca đã vô địch La Liga mùa 1998-1999, nhưng việc bị loại sớm khỏi giải đấu danh giá nhất châu Âu đã để lại dư vị cay đắng. Barca, dưới trướng Louis van Gaal, xếp thứ ba trong bảng tử thần gồm Man Utd, Bayern Munich - hai đội sau đó vào tới trận chung kết. Cú sảy chân ấy ngỡ như phủ bóng lên trận giao hữu với Brazil. Nhưng thực tế thì ngược lại, nó còn tạo ra sự phấn khích lớn hơn. Đó gần như là cơ hội để xốc lại tinh thần và chuẩn bị cho cuộc đua danh hiệu La Liga vào tháng 5. Nhìn rộng ra, trận Barca- Brazil thật sự là món quà dành cho những ai yêu bóng đá, vì có quá nhiều ngôi sao ở đó.
"CLB đã luôn thất vọng vì bị loại khỏi Champions League, nhưng vào ngày hôm đó thì không", Zenden nhớ lại. "Lúc đó ai cũng hào hứng, vì được chơi với Brazil là một sự kiện vô cùng lớn. Cứ nhìn dàn hảo thủ của họ là biết. Đấy thực sự là cơ hội ngàn năm có một đối với tôi, đối đầu với một đội tuyển thay vì một CLB".
Đối thủ của Barca cũng nhìn nhận trận đấu với sự hứng khởi tương tự. "Bóng đá là ma thuật và nghệ thuật", Vanderlei Luxemburgo, HLV đội Brazil khi ấy, phát biểu. Buổi tập đầu tiên của Brazil tại Barcelona thu hút tới 15.000 người. Luxemburgo dự định sẽ cho Ronaldo, Romario và Rivaldo lần đầu xuất quân cùng nhau. HLV có biệt danh "Giáo Sư Luxa" thậm chí có thể nhét thêm một tiền đạo thứ tư là Marcio Amoroso.
Amoroso nói: "Về chiến thuật, Giáo Sư Luxa thường chỉ ra lệnh cho bộ tứ hậu vệ và các tiền vệ phòng ngự. Còn ở phía trên nơi tôi, Ronaldo, Rivaldo và Romario thi đấu, ngài bảo chúng tôi hãy tự do chơi bóng theo cách mà chúng tôi muốn. Quả là một HLV tuyệt vời! Hàng thủ có thể để thủng ba bàn, nhưng hàng công sẽ gỡ lại bốn bàn. Tôi cũng sẽ làm vậy nếu là HLV, bởi ngăn cản bốn tiền đạo của Brazil là chuyện quá khó. Luxa bảo sẽ không sao nếu chúng tôi chơi theo cách của mình".
Cơn mưa như kinh thánh, phủ xuống vạn vật một vẻ trong lành.
Quang cảnh trận đấu hôm ấy hoành tráng và long lanh như một video quảng cáo của Nike vốn luôn đình đám thời đó vậy. Trái bóng trắng hoàn hảo điểm xuyết bằng biểu tượng swoosh màu đen. Ronaldo lần đầu tiên diện đôi Mercurials mới toanh.
Các cầu thủ Brazil vào sân trong sự tiếp đón khác nhau từ khán đài. Roberto Carlos phải nhận lấy những tiếng la ó vì khi ấy đang chơi cho Real Madrid. Còn Romario và Ronaldo được hoan hô như những anh hùng về nhà.
Amoroso kể: "Ronaldo và Romario rất háo hức hôm ấy. Cảm xúc của họ hiện rõ trên gương mặt khi được đám đông chào mừng. Mọi thứ như màn dạo đầu của một đại tiệc vậy."
Barca cuối tuần đó sẽ đá với Deportivo La Coruna, nhưng với Louis van Gaal, điều đó không quan trọng. Tuy có chút bất lợi khi thiếu đi Rivaldo, đội bóng đỏ xanh vẫn chiến đấu hết mình. Zenden cho hay: "Khi đã khoác áo Barca bước ra Camp Nou, chẳng có trận nào là giao hữu vui vẻ. Bạn phải luôn thắng, đặc biệt là trong trận kỷ niệm 100 năm. Vậy nên chúng tôi nhập cuộc như bao trận cầu khác. Chúng tôi nghiên cứu kỹ cầu thủ đối phương và quan sát phong cách của họ. Chúng tôi vạch ra đường đi nước bước. Tôi dám cá rằng Van Gaal hôm đó cũng ứng xử với trận giao hữu này như một trận đấu chính thức".
Các cầu thủ xếp hàng chụp ảnh. Ronaldo và Phillip Cocu - đồng đội cũ tại PSV Eindhoven - đùa giỡn nhau. Romario, trong bộ bông tai sáng choang, đang ráng giữ ấm.
Trận đấu bắt đầu, cầu trường bùng nổ.
Amoroso kể tiếp: "Đó là lần đầu tiên tôi chơi tại Camp Nou. Thật phi thường và màu nhiệm. Tôi thấy các cầu thủ Barca thật may mắn khi được đón nhận sự nhiệt thành ấy từ các CĐV mỗi tuần".
Hai phút sau khi bắt đầu, Amoroso lao vào triệt hạ Cocu bằng cả hai chân, theo kiểu "chóng lành nhé xương ống đồng".
"Với tôi, không có gì là dễ dàng", anh nhớ lại. "Tôi luôn chơi bóng để giành chiến thắng, mang về vinh quang cho tấm áo trên người. Pha bóng ấy có thể hơi quá đáng, nhưng tôi đã ứng xử trận đấu ấy như bao trận khác, trong khi Cocu dường như chỉ xem đó là trận giao hữu".
Thời tiết hôm đó rất tệ. Sergi phải đưa tay lên che mưa rơi vào mắt trong một pha bóng bổng. Camera chuyển hướng sang một nhiếp ảnh gia, anh chàng đang khổ sở như con thuyền trong tâm bão. Vị trợ lý trẻ tuổi Jose Mourinho ngồi trong băng ghế huấn luyện, nhìn ra cơn mưa và cau mày.
"Thời tiết... không được lý tưởng. Thật đáng tiếc. Cũng vì thế mà bữa tiệc bớt hoành tráng đi đôi chút", Zenden than thở.
Barca nhập cuộc chủ động. Michael Reiziger sút chệch khung thành. Patrick Kluivert bỏ lỡ một vài cơ hội. Luis Figo đưa cú sút phạt đến tay thủ môn. Không phải ai cũng mê đội bóng của Van Gaal – tờ El Mundo gọi đó là "lối chơi tỉnh táo, tự động và vô cảm", nhưng họ thi đấu rất tốt.
Thế rồi bàn thắng đến, cho "đội khách" Brazil, thật ngoạn mục. Bóng đi từ Roberto Carlos và kết thúc ở Ronaldo. Chào nhé Frank de Boer. Romario kể cho Sergi một câu chuyện bằng đôi mắt và viết nên một câu chuyện khác bằng đôi chân, anh kiến tạo cho Ronaldo, người lừa bóng tinh quái và loại bỏ hoàn toàn thủ thành Ruud Hesp.
Amoroso bình phẩm: "Bàn đầu tiên, công lớn thuộc về thiên tài của hai người họ. Cả hai đều cực kỳ thông minh và ăn ý. Các hậu vệ của Barca không tài nào theo được họ".
Barca san bằng cách biệt. Luis Enrique, người như thi đấu ba vị trí một lúc, đệm bóng cận thành sau khi đường tạt của Zenden bị thủ thành Rogerio Ceni làm chệch hướng. "Khốn khiếp thật", Luxemburgo hét lên ngoài đường biên.
Nỗi bực tức của ông không kéo dài lâu. Emerson tìm tới Amoroso, Amoroso chuyền cho Ronaldo. Phần sân Barca bỗng chốc tràn ngập những đường bóng tốc độ. Romario chạy chỗ, kéo theo Abelardo. Ronaldo bắt đầu tăng tốc và tạo rắc rối. Và giờ là Rivaldo, anh lao xuống nhận bóng như một đầu máy hơi nước và nã đại bác vào góc cao. Một tài năng kiệt xuất đầy mê hoặc.
Rivaldo xắn chiếc áo vàng che mặt, theo kiểu mừng bàn thắng quen thuộc của Fabrizio Ravanelli thời bấy giờ. Phía dưới là một chiếc áo phông in hình logo Barca và Brazil, chính giữa là bức hình của người cha quá cố. Cả cầu trường Camp Nou hô vang tên Rivaldo.
Hiệp hai có phần kém sôi nổi hơn. Trận đấu vẫn rất hay nhưng không kịch liệt như trước.
Cầu thủ trẻ Xavi vào sân. Giovanni cũng vậy, trông anh chẳng khác nào thành viên thất lạc của ban nhạc Brazil Os Mutantes.
Ronaldo – và chúng ta đang nói về Ronaldo ở thời kì đỉnh cao, một người ngoài hành tinh đội lốt người thường – biến Reiziger trở thành một gã hề bằng pha đi bóng xuất thần. Rõ ràng đó là một quả phạt đền, nhưng trọng tài không thổi.
Figo liên tục chạm mặt Roberto Carlos, người sau đó đã xả cơn giận bằng cách đá bóng vào mặt Luis Enrique ở cự ly gần. Một hành động chẳng mấy đẹp đẽ.
Barca gỡ hòa. Lại là một sai lầm tới từ Ceni khi thủ môn này để bóng nảy ra sau cú sút phạt của Figo, tạo điều kiện cho Cocu ghi bàn. Lúc đó chàng thủ thành không hề hay rằng chính sai lầm ngớ ngẩn đó sẽ khiến anh mất suất lên tuyển dự Copa America mùa hè cùng năm, và đương nhiên, lỡ luôn danh hiệu vô địch.
Sonny Anderson, cầu thủ Brazil duy nhất trong đội hình Barca, đã rất khoái chí khi đối đầu với cặp trung vệ lanh lợi của Selecao - Odvan và Rafael Scheidt, người lúc đó đang khoác áo Celtic tận Scotland. Anh ghi một bàn thắng nhưng bị trọng tài biên từ chối, dẫu anh không hề việt vị.
Trận đấu kết thúc với tỷ số 2-2, nghe có vẻ ngang bằng, nhưng không hợp lý lắm vì Brazil chơi hay hơn. Ronaldo và Figo ôm nhau, đổi áo và chuyện trò. Không rõ họ nói gì nhưng chắc đó là mấy câu kiểu "Hôm nay vui thiệt luôn, đúng không?".
Rõ ràng là như vậy.
"Màn trình diễn nhiệm màu", tờ El Mundo đưa tin vào sáng hôm sau. Sau cùng thì trận đấu này không phải là một dấu son chói lọi trong lịch sử bóng đá, càng không phải bước ngoặt trong câu chuyện của bất kỳ ai.
Nó chỉ là một trận giao hữu nhẹ nhàng tình cảm giữa hai đội bóng mạnh với triết lý tấn công khác nhau.
Và mọi chuyện đã diễn ra như thế.
Để rồi sau này khi có ai đá PES chọn đội tuyển đá với CLB mà bị phàn nàn, bạn có thể nói: "Ơ, thế không biết Brazil từng đá với Barca à?".
Hoài Thương (theo The Athletic)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét