Kình ngư huyền thoại người Mỹ Michael Phelps viết thư ngỏ trên ESPN, kể về những nỗi niềm và cách anh vượt qua khó khăn trong thời gian giãn cách xã hội.
"Bạn khỏe không?", là câu hỏi chúng ta vẫn nghe mỗi ngày. Nhưng có bao nhiêu lần ta chỉ trả lời lấy lệ: "Vẫn khỏe" hay "Ổn cả"? Bao nhiêu lần chúng ta đủ dũng cảm để thừa nhận sự thật, với chính bản thân mình và cả những người khác?
Bạn muốn nghe sự thật về tôi không? Rằng tôi có khỏe không, rằng tôi đang đương đầu với việc cách ly và đại dịch toàn cầu này ra sao? Hãy nói thế này: "Tôi vẫn đang hít thở".
Những tháng qua, tâm trạng tôi cứ liên tục lên và xuống. Đại dịch này là một trong những giai đoạn đáng sợ nhất tôi từng trải qua. Tôi cảm thấy may mắn vì mình và gia đình vẫn an toàn, khỏe mạnh. Tôi thấy biết ơn vì chúng tôi không phải lo lắng về việc trả các hóa đơn hay lo từng miếng ăn như rất nhiều người đang phải trải qua. Nhưng tôi vẫn phải vật lộn.
Từ trước Olympic 2016 tại Rio, tôi đã lần đầu công khai những vấn đề tâm lý của mình với dư luận. Việc thừa nhận mình không hoàn hảo quả thực chẳng dễ dàng, nhưng nó như trút một gánh nặng ngàn cân khỏi lưng tôi. Việc chia sẻ khiến cuộc sống dễ dàng hơn, và giờ đây tôi đang làm lại điều đó. Tôi muốn mọi người biết rằng họ không hề đơn độc. Chính lúc này, nhiều người trong chúng ta đang đương đầu với những con quỷ trong nội tâm nhiều hơn bao giờ hết.
Những ai từng chung sống với vấn đề tâm lý đều sẽ hiểu: Nó sẽ không bao giờ biến mất. Bạn sẽ có những ngày tốt và những ngày tồi tệ, nhưng không bao giờ thấy vạch đích. Sau Olympic Rio, tôi đã trải qua rất nhiều cuộc phỏng vấn với nội dung lặp đi lặp lại: " bộc bạch về chứng trầm cảm, trải qua điều trị, giành HC Vàng Olympic trong giải đấu cuối sự nghiệp và giờ đã ổn hơn rất nhiều".
Tôi ước gì đó là sự thực, rằng mọi chuyện đơn giản như thế. Nhưng thú thực đó chỉ là sự ngu ngốc, và tôi đang cố nói giảm nói tránh. Những ai không hiểu về người mắc chứng lo âu, trầm cảm, hay hậu chứng tâm lý, sẽ không đời nào hiểu được. Và truyền thông chính là một thành phần như vậy. Họ đã kéo tôi vào vũng bùn vì mọi điều sai trái tôi từng làm, và hãy tin tôi đi, tôi biết có rất nhiều lỗi lầm. Tôi chịu trách nhiệm cho tất cả những sai lầm ấy chứ chẳng phải ai khác. Tôi đã tìm kiếm sự giúp đỡ và kết thúc sự nghiệp trong ánh hào quang, nên việc đưa tôi trở lại bục chiến thắng là một câu chuyện hay. Nhưng sự thực là tôi sẽ chẳng bao giờ được "chữa khỏi". Vấn đề này sẽ không bao giờ biến mất và tôi sẽ phải chấp nhận, học cách đương đầu với nó trong suốt cuộc đời. Và nói luôn dễ hơn làm rất nhiều.
Đại dịch này là thách thức mà tôi chưa bao giờ nghĩ tới. Từ sự bất ổn, việc phải giam mình trong nhà cho tới những câu hỏi. Rất nhiều câu hỏi: Khi nào dịch bệnh sẽ kết thúc? Cuộc sống sẽ ra sao khi đó? Liệu mình đã làm đủ những thứ cần thiết để an toàn hay chưa? Gia đình mình có an toàn không?... Chúng làm tôi muốn phát điên. Tôi đã quen với việc di chuyển, thi đấu, gặp gỡ những người khác, và mọi chuyện giờ đây thật điên rồi. Cảm xúc tôi rơi vào trạng thái hỗn loạn: tôi luôn trong trạng thái tự vệ và dễ dàng bị kích động.
Đã có lúc tôi thấy hoàn toàn vô giá trị, khi bản thân đã gục ngã, nhưng có một ngọn núi lửa giận dữ đang chực bùng phát trong người. Đã có hơn một lần tôi phải gào lên: "Ước gì tôi không phải chính tôi!". Đôi khi có một cảm giác choáng ngợp đè nặng mà tôi không thể đương đầu. Tôi không muốn là chính mình nữa. Nó giống như cảnh phim tài liệu "The Last Dance", khi ngồi trên ghế, hút cigar và quyết định chấm dứt mọi thứ. Anh ấy không thể chịu nổi nữa.
Tôi chưa bao giờ cảm thấy bị áp đảo đến thế này trong đời. Đó là lý do có những lúc tôi không muốn là mình, mà chỉ ước rằng mình là một anh chàng Johnny Johnon nào đấy.
Đêm hôm trước, tôi cãi nhau với vợ tôi, Nicole. Vụ này thật tệ, nhưng cùng lúc, tôi lại có thể xả những cảm xúc chất chứa trong lòng. Đôi khi bạn cần điều đấy. Nó khó khăn, nhưng tôi cảm thấy khá hơn rất nhiều hôm nay. Đôi khi đó là một phần những gì tôi cần trải qua.
Vậy làm thế nào để chiến đấu, kiểm soát tâm trạng? Với tôi, mỗi ngày cần tập gym ít nhất 90 phút. Đó là điều đầu tiên tôi làm. Tôi thức dậy trong khoảng từ 5h15 tới 7h mà không cần báo thức, cứ tỉnh là dậy thôi. Nếu tôi dậy lúc 7h, tôi sẽ cho các con ăn sáng, nhưng nếu sớm hơn, tôi sẽ trốn vào phòng gym. Có những ngày tôi chẳng muốn đi tập, nhưng tôi vẫn ép bản thân mình phải đi. Bởi tôi biết việc này quan trọng cho đầu óc chẳng kém gì thể chất.
Nếu tôi bỏ lỡ một ngày tập, đó sẽ là thảm họa. Tôi sẽ bước vào con đường suy nghĩ tiêu cực trong đầu, và khi điều đó xảy ra, tôi là người duy nhất có thể chặn nó lại. Và điều này thường không biến mất nhanh chóng. Tôi phải tìm cách kéo nó ra và thậm chí là tự trừng phạt bản thân theo cách nào đó. Tôi luôn làm thế khi sai lầm, hoặc khiến ai đó buồn, bởi khi đó tôi sẽ cho rằng đó là lỗi của mình và tự trừng phạt. Khi chuyện này lặp lại ngày này qua ngày khác, bạn sẽ nhanh chóng rơi vào tình huống đáng sợ. Và phần lớn thời gian cách ly xã hội này là như vậy.
Khi còn bơi lội, bể bơi là lối thoát của tôi. Tôi dồn tất cả sự giận dữ và biến nó thành động lực. Nhưng giờ đây, lối thoát ấy biến mất. Tôi đã học được từ những khoảnh khắc ấy, rằng việc biết lùi lại một bước rất quan trọng. Hãy hít một hơi thở sâu và trở lại vạch xuất phát. Hãy tự hỏi mình: Những cảm xúc này tới từ đâu? Tại sao mình lại giận dữ đến vậy?
Đó là điều tôi học được và cố gắng dạy cho ba đứa con trai. Nhưng khi bạn trong tâm trạng tồi tệ, bạn không phải lúc nào cũng muốn làm điều đúng đắn hay thứ mà bạn nghĩ mình nên làm.
Tôi cố gắng viết những lời ghi chú dặn dò lên gương, để những câu nói động viên trong văn phòng và thường xuyên ghi lại những ý tưởng nảy sinh trong đầu hay những điều mình muốn làm vào các mẩu giấy khắp nhà. Nhưng khi mọi chuyện trở nên tệ, tôi thường tự "khởi động lại" bản thân. Tôi sẽ đi vào phòng riêng, văn phòng hay một nơi yên tĩnh, để bọn trẻ không thấy cha chúng mất bình tĩnh, ở yên để suy nghĩ và bình tĩnh trở lại.
Có những lúc khi tôi đang mắc kẹt với bản thân và nghĩ mọi thứ chẳng thể tệ hơn được nữa thì cậu con trai 4 tuổi Boomer sẽ đến bên tôi, ôm tôi và nói yêu tôi. Khi bạn hoàn toàn không trông đợi thì điều kỳ diệu nhất thế giới lại diễn ra. Sau thời gian tập gym, tôi thường ăn với các con trước khi chơi trong nhà hoặc ra bể bơi. Sau đó, bữa tối sẽ luôn sẵn sàng lúc 5h. Tôi chịu trách nhiệm khoản này và thích thú với việc nấu ăn. Sau đó tới giờ tắm giặt, đi ngủ của các con, trò chuyện một chút với Nicole trước khi lên giường ngủ lúc 10h và lặp lại mọi thứ ngày hôm sau.
Tôi biết những thứ mình cần làm để giữ tâm lý tốt, nhưng việc này không phải dễ dàng. Vài năm trước, tôi đã thử dịch vụ của công ty tư vấn tâm lý trực tuyến Talkspace, nơi bạn có thể gặp các chuyên gia bất cứ khi nào cần. Nó thực sự hữu ích khi tôi phải đi xa. Tôi đã khuyến khích gia đình và bạn bè thử dùng dịch vụ này và nói với họ nó giá trị đến nhường nào với tôi. Nó thực sự đã cứu vớt cuộc đời tôi. Chúng ta đều luôn muốn là phiên bản tốt nhất của bản thân mình. Và được nói chuyện với một chuyên gia tâm lý, được mở lòng về những vấn đề sẽ giúp bạn, bởi không ai có thể một mình đương đầu với cuộc sống.
Đầu tháng này, tôi đã quyên tặng 500 tháng sử dụng Talkspace miễn phí cho những nhân viên y tế tuyến đầu đang chống lại Covid-19. Với tất cả chúng ta, họ là những người hùng. Tôi thậm chí chẳng dám tưởng tượng họ đang trải qua những gì và hy vọng tâm lý trị liệu có thể ý nghĩa với họ như tôi đã trải nghiệm. Quỹ Michael Phelps cũng đã đóng góp hơn 100.000 USD cho những chương trình giảng dạy về tâm lý cho thanh - thiếu niên khắp nước Mỹ.
Nhưng bạn sẽ chỉ nhận được sự giúp đỡ nếu yêu cầu nó. Bạn cần cầm máy điện thoại, mở ứng dụng ra, hoặc hẹn lịch gặp gần nhà mình. Phải thú thực rằng trong hai tháng qua, tôi hầu như chẳng làm được gì khi cần sự giúp đỡ nhất. Tôi biết rằng đó là vấn đề của bản thân, nhưng đó cũng là một ví dụ bạn có thể rơi vào trạng thái bất ổn nhanh đến nhường nào. Tôi biết mình cần khá hơn.
Đây cũng là lý do tôi quyết định chia sẻ những điều này. Tôi muốn giúp những người khác và chịu trách nhiệm về những gì mình làm. Có vô số người đang đương đầu những khó khăn tương tự, và bạn đã trải qua những gì, tới từ đâu hay muốn trở thành ai... không quan trọng. Không có gì có thể ngăn cản bạn. Bạn cần học những gì sẽ giúp bạn và theo đuổi những phương pháp đó, đặt niềm tin vào chúng và tránh để bản thân rơi vào một vòng xoáy tiêu cực.
Tôi đã cho bản thân nhiều tình yêu và lòng trắc ẩn hơn. Khi nhìn các con trai, tôi nhận ra một bài học: chúng vấp ngã, đập đầu, khóc một chút rồi lại đuổi nhau và cười tươi như thể chưa từng có chuyện gì xảy ra. Chúng đều đã bước tiếp và sống trong khoảnh khắc. Đó chính là điều tất cả chúng ta nên làm.
Cách đây không lâu, tôi đã tham gia phát biểu tại một công ty tầm cỡ toàn cầu về sức khỏe tâm lý. Sau bài nói chuyện của tôi, một thanh niên đứng lên và chia sẻ trước toàn bộ thính giả về những khó khăn của bản thân. Đôi lúc tôi vẫn nhớ về khoảnh khắc ấy, về sự can đảm mà cậu ấy có để thừa nhận những thách thức của bản thân trước toàn bộ đồng nghiệp. Nó cho thấy chúng ta cuối cùng đã tiến tới ngưỡng thấu hiểu rằng những cuộc chiến tâm lý là có thật. Nó rất nghiêm trọng và là vấn đề sinh tử.
Bạn không cần che giấu hay sợ sệt gì cả. Cuộc chiến duy nhất là với bản thân mình. Hãy nghĩ về điều đó trong lần tiếp theo khi ai đó hỏi bạn: "Bạn có khỏe không?".
Thịnh Joey (theo ESPN)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét